Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa Bến Tre ?

Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa Bến Tre ?

Làm gì để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa
Hiện cả nước có gần 150 ngàn ha dừa, tập trung chủ yếu ở vùng Duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Trong đó, Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất nước với trên 67.000 ha và đang có xu hướng tăng thêm đến năm 2020. Sản lượng trên 526 triệu trái, chiếm 40% tổng sản lượng dừa cả nước. Giá trị sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa chiếm hơn 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất sang thị trường trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cây dừa Bến Tre ngày nay có một chuỗi giá trị toàn diện, tạo ra hàng trăm dòng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người trồng dừa, chiếm vị trí then chốt trong sự nghiệp phát triển của tỉnh, không chỉ riêng về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch mà còn góp phần tích cực vào quá trình chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Chuỗi giá trị cây dừa Bến Tre được hình thành dựa trên sự gắn kết giữa các nhóm tác nhân có chức năng sản xuất trực tiếp bao gồm: người trồng dừa, thương nhân và các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm dừa và các nhóm chức năng có chức năng hỗ trợ, cung cấp dịch vụ gồm: các cơ quan xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hệ thống ngân hàng, hệ thống cơ quan quản lý và dịch vụ nông nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ và hiệp hội ngành hàng. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Bến Tre đã tập trung đầu tư phát triển ngành dừa theo hướng chuỗi giá trị gia tăng theo hướng bền vững, có sự liên kết giữa 4 nhà. Nâng cao năng lực, thiết bị, công nghệ chế biến.

Trong sản xuất, người dân quan tâm hơn đến công tác đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với trồng xen, nuôi xen làm tăng giá trị vườn dừa lên từ 15 đến 20%. Bên cạnh đó, các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở KH&CN đã đầu tư triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển dừa. Trong đó có các dự án nổi bật như dự án phát triển trồng mới 5 ngàn ha dừa; dự án đầu tư thâm canh 1 ngàn ha, dự án phát triển trồng xen 10 ngàn ha ca cao trong vườn dừa,…Nhìn chung, các dự án đã tác động tích cực đến phát triển diện tích, nâng cao năng suất và sản lượng dừa cũng như giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích.

Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà quản lý và nhà khoa học, sự gia tăng thu nhập của cây dừa chủ yếu nhờ vào sự tăng giá trên thị trường của các mặt hàng dừa chứ không phụ thuộc vào sự chủ động tạo giá trị tăng thêm trong hệ thống canh tác của vườn dừa. Do đó, nếu giá dừa tăng, thu nhập của nông dân sẽ cao và ngược lại. Thậm chí, nông dân chỉ đầu tư chăm sóc lúc dừa tăng giá. Khi giá dừa xuống thấp thì không đầu tư. Từ đó, dẫn đến năng suất thấp.

Khi phân tích chuỗi giái trị cây dừa, các nhà khoa học cho rằng, trồng và chăm sóc là mắc xích đầu tiên, là giải pháp cơ bản. Mục tiêu của giải pháp là áp dụng trên diện rộng các tiến bộ kỹ thuật đã được xác định về giống, mật độ trồng, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật bón phân, chăm sóc bảo vệ thực vật để nâng cao năng suất trái bình quân cả tỉnh lên từ 10 đến 20% trong 10 năm tới. Các giải pháp tối ưu để nâng cao công tác trồng và chăm sóc vườn dừa đạt hiệu quả được các nhà khoa học xác định là cần quan tâm về giống dừa và hướng giải quyết cho sản xuất với nội dung điều tra hiện trạng và nguyên nhân hạn chế năng suất, hiệu quả kinh tế cây dừa ở tỉnh Bến tre. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục. Đồng thời, các nhà khoa học cho rằng, biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất vườn dừa, hạn chế sâu, bệnh gây hại là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao năng suất vườn dừa. Vấn đề này, cần có sự liên kết giữa các nhà khoa học và nhà nông.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội dừa Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam có diện tích dừa đứng thứ 7 trong tổng số 15 quốc gia và quốc đảo trồng dừa ở khu vực. Cũng theo Hiệp hội này đánh giá, về giá trị sử dụng và giá trị tăng thêm của dừa Việt Nam tương đương với 1 triệu ha. Như vậy, có thể thấy, ngành công nghiệp chế biến dừa ở Việt Nam nói chung và của Bến Tre nói riêng phát triển mạnh và đa dạng các sản phẩm chế biến xuất khẩu. Thực tế cho thấy, từ năm 2001, ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre bắt đầu phát triển với sản phẩm cơm dừa nạo sấy, tạo điều kiện nâng cao giá trị dừa trái cho nông dân. Giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến dừa giai đoạn 2006-2010 biến động theo xu hướng tăng từ gần 19% lên 24,5% giá trị sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh. Các sản phẩm được sản xuất khá đa dạng từ chỉ xơ dừa đến than thiêu kết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, sữa dừa, thạch dừa…Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, mặc dù công nghiệp chế biến dừa phát triển nhưng vẫn còn phụ thuộc vào một số sản phẩm chủ yếu như kẹo dừa, cơm dừa nạo sấy, sản phẩm thô vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn, thiết bị, công nghệ chế biến vẫn còn lạc hậu.

Sản phẩm chỉ xơ dừa

Các nhà khoa học đánh giá, tiềm năng phát triển dừa ở Bến Tre trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 còn rất lớn. Diện tích dừa có xu hướng tăng thêm, đặc biệt trong môi trường biến đổi khí hậu, cây dừa có khả năng thích ứng cao. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm cao cấp chế biến từ dừa ngày càng nhiều. Vì thế, cũng như các ngành chế biến công nghiệp khác tại VN, ngành công nghiệp chế biến dừa cũng cần tập trung nghiên cứu, cải tạo, đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, tập trung sản xuất sản phẩm tinh, có giá trị kinh tế cao, với quy mô công nghiệp lớn đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo môi trường. Vấn đề cần quan tâm là tìm ra giải pháp phát triển công nghệ và thiết bị mới để sản xuất, chế biến các sản phẩm dừa.

Từ kết quả các giải pháp xác định thị trường, mặt hàng chủ lực và xúc tiến thương mại, Bến Tre cần chú trọng ưu tiên nâng cấp các công nghệ chế biến cho các mặt hàng có quy mô sản xuất lớn và có doanh thu cao. Chú trọng tìm kiếm, phát triển, du nhập các công nghệ chế biến mới, hiện đại nhưng phù hợp với khả năng vốn và trình độ quản lý của cơ sở doanh nghiệp chế biến. Một số dây chuyền công nghệ chế biến cần được ưu tiên phát triển hoặc mua công nghệ để chế biến các sản phẩm chủ lực trong tương lai như sữa dừa, bột sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết, nước dừa đóng lon, thạch dừa tinh chế dùng cho thực phẩm, giải khát và thạch dừa dùng làm mỹ phẩm.

Sản phẩm từ Dừa của Công ty Cửu Long

Ngoài các nhóm giải pháp tổ chức sản xuất, nâng cấp công nghệ, các nhóm giải pháp khác cũng được thảo luận như nhóm giải pháp định vị thị trường và sản phẩm; nhóm giải pháp xúc tiến thương mại bằng các hình thức quảng bá hình ảnh, thương hiệu; nhóm giải pháp chính sách thương mại và nhóm giải pháp về vốn.

Nhìn chung, ngành dừa Bến Tre có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế, xã hội. Qua phân tích, chuỗi giá trị dừa Bến Tre có năng lực cạnh tranh rất tốt nhờ tận dụng các nguồn lực sản xuất như đất đai, lao động, các chỉ số thể hiện năng lực cạnh tranh cao trong nước, khu vực và thế giới. Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị cây dừa đã phân tích, đánh giá thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong chuỗi giá trị cây dừa. Từ đó tìm ra các nhóm giải pháp hạn chế, khắc phục điểm yếu, vượt qua thách thức và khai thác, phát huy các cơ hội để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa Việt nam nói chung và bến Tre nói riêng trong thời gian tới.

Cao Đẳng (Đài PT-TH Bến Tre)

 

CÔNG TY TNHH BIOCO AGRICULTURE

Địa chỉ : B2/4 Nguyễn Hữu Trí, TT. Tân Túc, H. Bình Chánh,Tphcm

Cơ sở SX : Đường 20, Chợ Thơm, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre

Điện Thoại :  0979 696 125 (Mr. Hải) –  0906 699 125 (Mr. Đức)

E-mail : duabentre001@gmail.com – duaxanh01@gmail.com

Website: duaxanh.vn

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *